Tranh chấp tài sản thừa kế là nội dung tương đối phức tạp và nhạy cảm vì đây là mâu thuẫn xảy ra giữa các bên có mối quan hệ huyết thống, thân quen. Trong đó, tranh chấp đất đai về di sản thừa kế là vụ việc phổ biến hơn cả vì nó có liên quan đến lợi ích trực tiếp giữa những người có quyền thừa kế. Trong phạm vi bài viết này, Luật Thiên Mã xin giới thiệu đến Quý khách hàng những kiến thức pháp lý thuộc khuôn khổ giải quyết tranh chấp và phân chia di sản thừa kế.
Ai có quyền khởi kiện tranh chấp tài sản thừa kế?
Nếu muốn tranh chấp tài sản thừa kế, điều kiện đầu tiên cần phải được đáp ứng là xác định người có quyền thừa hưởng di sản thừa kế đó. Pháp luật quy định có hai hình thức thừa kế là: Thừa kế theo di chúc và Thừa kế theo pháp luật.
Người có quyền thừa kế di sản theo di chúc
Đây là những cá nhân được chỉ định trong di chúc để thừa hưởng phần di sản do người chết để lại.
Bộ luật Dân sự 2015 quy định, di chúc là văn bản thể hiện ý chí cá nhân nhằm mục đích chuyển giao tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Người được hưởng di sản theo di chúc khi người chết có để lại di chúc và di chúc đó có hiệu lực pháp lý, người thừa kế vào thời điểm mở thừa kế còn sống hoặc cơ quan, tổ chức vẫn còn hoạt động và không từ chối việc thừa kế tài sản.
Người có quyền thừa kế di sản theo pháp luật
Nếu người chết không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì toàn bộ tài sản của người đó phải được chia theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp người chết chỉ chia một phần tài sản của mình và phần còn lại không chia, thì phần không chia đó vẫn sẽ phải chia theo quy định của pháp luật.
Thừa kế theo quy định của pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế. Cụ thể, Điều 651 Bộ luật Dân sự quy định, những người thừa kế theo pháp luật được chỉ định theo trình tự như sau:
- Hàng thừa kế thứ nhất: bao gồm vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
- Hàng thừa kế thứ hai: bao gồm ông bà nội, ông bà ngoại, anh chị em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông bà nội hoặc ông bà ngoại.
- Hàng thừa kế thứ ba: bao gồm cụ nội, cụ ngoại của người chết, bác chú ruột, cô cậu ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là chú bác ruột, cô cậu ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội hoặc cụ ngoại.
Tại đây, pháp luật cũng quy định rõ:
- Những người thừa kế trong cùng một hàng được hưởng phần tài sản ngang bằng nhau.
- Những người ở các hàng thừa kế sau chỉ được thừa hưởng tài sản trong trường hợp không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền thừa kế tài sản, bị truất quyền hưởng tài sản hoặc từ chối thừa kế tài sản.
Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tài sản thừa kế?
Trên thực tế, thẩm quyền giải quyết tranh chấp tài sản thừa kế thuộc về Toà án nhân dân cấp quận/huyện và cấp tỉnh/thành phố. Tuy nhiên, mỗi cấp khác nhau sẽ có thẩm quyền xét xử khác nhau. Cụ thể:
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp tài sản thừa kế của Tòa án nhân dân cấp huyện
Toà án nhân dân cấp quận/huyện nơi có di sản là bất động sản như đất đai, nhà cửa có quyền giải quyết tranh chấp thừa kế.
Trong trường hợp di sản thừa kế không phải đất đai, nhà cửa thì Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ việc là Toà án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn sinh sống, làm việc hoặc thể theo sự lựa chọn của nguyên đơn.
Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh
Toà án nhân dân cấp tỉnh/thành phố có trách nhiệm giải quyết các tranh chấp về thừa kế có đương sự hoặc di sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác pháp lý cho cơ quan đại diện nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án và các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
Toà án nhân dân cấp tỉnh/thành phố giải quyết các tranh chấp tài sản thừa kế thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp quận/huyện mà Toà án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi thấy cần thiết hoặc theo yêu cầu của Toà án nhân dân cấp huyện.
Hồ sơ khởi kiện tranh chấp tài sản thừa kế
Hồ sơ khởi kiện tranh chấp tài sản có di chúc bao gồm các giấy tờ sau:
- Đơn khởi kiện (theo mẫu có sẵn)
- Các giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại di sản bao gồm Giấy khai sinh, Chứng minh thư/Căn cước công dân, Giấy chứng nhận kết hôn, Sổ hộ khẩu, Giấy giao nhận nuôi con để xác định hàng thừa kế và diện thừa kế.
- Giấy chứng tử của người để lại tài sản thừa kế.
- Bản kê khai tài sản của người để lại tài sản thừa kế.
- Các giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu của người để lại tài sản và nguồn gốc di sản của người để lại tài sản.
- Các giấy tờ liên quan như Biên bản giải quyết trong họ, tộc, biên bản giải quyết tại UBND cấp xã/phường/thị trấn (nếu có), tờ khai từ chối nhận tài sản (nếu có).
Quy trình, thủ tục tranh chấp tài sản thừa kế
Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện tại Toà
Đầu tiên, người khởi kiện nộp đơn khởi kiện cùng các tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án cho Toà án có thẩm quyền giải quyết bằng các phương thức sau:
- Nộp trực tiếp tại Tòa.
- Gửi theo đường dịch vụ bưu chính đến Toà.
- Gửi bằng hình thức trực tuyến qua Cổng thông tin Điện tử của Toà án (nếu có).
Bước 2: Thụ lý vụ án
Sau khi đơn khởi kiện được gửi lên, Toà án có trách nhiệm xem xét các tài liệu và chứng cứ cần thiết, nếu xét thấy thuộc thẩm quyền của mình thì Toà sẽ thông báo tới đương sự để đương sự nộp tiền tạm ứng án phí.
Trong thời gian 15 ngày kể từ khi nhận được thông báo, đương sự có trách nhiệm nộp tiền tạm ứng án phí. Sau khi nộp xong khoản tiền này, đương sự phải nộp lại biên lai thu tiền cho Toà án. Lúc này, toà sẽ thụ lý vụ việc dân sự hoặc vụ án dân sự.
Bước 3: Chuẩn bị xét xử
Thời gian chuẩn bị xét xử của mỗi vụ án được quy định khác nhau, cụ thể như sau:
– 04 tháng kể từ ngày thụ lý. Đối với những vụ việc, vụ án phức tạp hoặc gặp phải trở ngại khách quan thì Chánh án Toà án nhân dân cấp có quyền quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử một lần. Tuy nhiên, thời gian gia hạn không được quá 02 tháng.
– Trường hợp có quyết định tạm thời dừng việc giải quyết vụ án thì thời gian chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Toà án có hiệu lực pháp lý.
Trong thời gian chuẩn bị xét xử, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có trách nhiệm tiến hành lấy lời khai của đương sự, tiến hành các phiên họp giám sát việc giao nộp, tiếp cận, kiểm tra việc công khai chứng cứ và hoà giải, tiến hành xem xét và thẩm định tại chỗ hoặc định giá, uỷ thác người thu thập chứng cứ (nếu có).
Bước 4: Xét xử sơ thẩm
Trong khoảng thời gian 01 tháng kể từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án nhân dân có trách nhiệm mở phiên toà; nếu có lý do chính đáng thì Toà án có thể kéo dài thời hạn mở phiên toà. Tuy nhiên, thời gian kéo dài phiên xét xử không được quá 30 ngày.
Trong trường hợp Bản án của Toà án sơ thẩm bị kháng cáo hoặc kháng nghị thì Toà án nhân dân cấp trên có quyền trực tiếp xem xét và giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm.
Ngoài ra, vụ án còn có thể được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Cụ thể như sau:
– Nếu đương sự không đồng tình với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp lý thì đương sự chỉ có quyền yêu cầu người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực theo đúng thủ tục giám đốc thẩm.
– Nếu xảy ra những tình tiết mới làm thay đổi cơ bản nội dung bản án, quyết định của Toà thì đương sự có quyền đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực theo đúng thủ tục tái thẩm.
Thời hiệu khởi kiện tranh chấp di sản thừa kế
Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu phân chia tài sản là 30 năm đối với bất động sản như nhà cửa, đất đai, 10 năm đối với động sản, kể từ thời hiệu mở thừa kế. Trong trường hợp thời hạn này hết hiệu lực, di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó”. Tại đây, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người để lại tài sản chết
Lời kết
Trên đây là toàn bộ chia sẻ của Luật Thiên Mã về tranh chấp tài sản thừa kế. Nếu Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc gì về dịch vụ pháp lý, xin hãy liên hệ qua số điện thoại 0936.380.888 để nhận được sự hỗ trợ tận tình từ các chuyên viên của chúng tôi.