Doanh nghiệp nhà nước là gì? Việc thành lập và giải thể có thực sự phức tạp? Bài viết này xin được chia sẻ chi tiết hơn những thắc mắc mà bạn đang gặp phải.
Xã hội ngày càng phát triển, thị trường kinh tế mà nền kinh tế tư nhân đang từng bước khẳng định được chính mình, nhiều doanh nghiệp lớn mạnh sánh vai với các doanh nghiệp nhà nước.
Các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam, do nhà nước làm chủ sở hữu các doanh nghiệp này, vẫn đang cùng các doanh nghiệp tư nhân đưa đất nước từng ngày phát triển, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Doanh nghiệp nhà nước là gì?
Theo khoản 8 điều 4 Luật Doanh Nghiệp 2014:
“8. Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”.
Doanh nghiệp Nhà nước có tên gọi, có con dấu riêng và có trụ sở chính trên lãnh thổ Việt Nam.
Doanh nghiệp Nhà nước là tổ chức kinh tế do Nhà nước đầu tư vốn, thành lập và tổ chức quản lý, hoạt động kinh doanh hay hoạt động công ích nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội do Nhà nước giao.
Doanh nghiệp Nhà nước là đơn vị có tư cách pháp nhân, có quyền và nghĩa vụ dân sự, tự chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động kinh doanh trong phạm vi vốn do doanh nghiệp quản lý. Chi tiết hơn bạn có thể tham khảo kiến thức doanh nghiệp nhà nước trên wiki nhé.
Một số doanh nghiệp nhà nước điển hình
- Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước
- Các tập đoàn tại Việt Nam: Dầu khí, Điện lực, Xăng dầu Việt Nam, Hóa chất…
- Các công ty Việt Nam: Viễn thông MobiFone, Thuốc lá, Hàng không, Cảng Hàng không, Cà phê, Lương thực miền Nam, Lương thực miền Bắc, Lâm nghiệp, Hàng hải, Đường sắt, Đầu tư phát triển đường cao tốc
Thành lập doanh nghiệp Nhà nước
Hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp Nhà nước
Bước 1: Đề nghị thành lập doanh nghiệp.
Người đề nghị thành lập doanh nghiệp Nhà nước: Phải là người đại diện cho quyền lợi của chủ sở hữu là Nhà nước để xác định nên đầu tư vốn vào lĩnh vực nào, quy mô ra sao để có hiệu quả nhất và đạt được mục tiêu kinh tế xã hội do Nhà nước đề ra.
Luật doanh nghiệp Nhà nước điều 14 khoản 1 quy định: Người đề nghị thành lập doanh nghiệp Nhà nước là “thủ trưởng cơ quan sáng lập”.
Nghị định 50/CP quy định cụ thể là:
- Bộ trưởng các Bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, HĐQT Tổng công ty Nhà nước là người đề nghị thành lập doanh nghiệp Nhà nước theo quy hoạch phát triển của ngành, địa phương hoặc Tổng công ty mình.
- Chủ tịch UBND quận, huyện, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh là người đề nghị thành lập các doanh nghiệp công ích hoạt động trên phạm vi địa bàn của mình.
- Người đề nghị thành lập doanh nghiệp Nhà nước phải tổ chức thực hiện các thủ tục đề nghị thành lập doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể là : phải lập và gửi hồ sơ đề nghị đến người có quyền quyết định thành lập doanh nghiệp Nhà nước.
Hồ sơ đề nghị gồm:
- Tờ trình đề nghị thành lập doanh nghiệp.
- Đề án thành lập doanh nghiệp.
- Mức vốn điều lệ và ý kiến bằng văn bản của cơ quan tài chính về nguồn vốn và mức vốn điều lệ được cấp.
- Dự thảo điều lệ về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp.
- Giấy đề nghị cho doanh nghiệp sử dụng đất.
Ngoài ra trong hồ sơ phải có:
- Kiến nghị về hình thức tổ chức doanh nghiệp.
- Bản thuyết minh về các giải pháp bảo vệ môi trường.
Bước 2: Thẩm định hồ sơ
Sau khi có đủ hồ sơ tuỳ theo tính chất, quy mô và phạm vi hoạt động của doanh nghiệp, người có thẩm quyền ký quyết định thành lập doanh nghiệp phải lập hội đồng thẩm định.
Thẩm định trên cơ sở sử dụng bộ máy giúp việc của mình và mời các chuyên viên am hiểu về nội dung cần thẩm định tham gia để xem xét kỹ các điều kiện cần thiết đối với việc thành lập doanh nghiệp nhà nước mà người đề nghị đã nêu trong hồ sơ đề nghị thành lập doanh nghiệp.
Cụ thể là phải xem xét:
- Đề án thành lập doanh nghiệp: yêu cầu đối với đề án thành lập doanh nghiệp là phải có tính khả thi và hiệu quả phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của nhà nước đáp ứng yêu cầu công nghệ và quy định của nhà nước về bảo vệ môi trường.
- Mức vốn điều lệ phải phù hợp với quy mô ngành nghề kinh doanh, lĩnh vực hoạt động và không thấp hơn vốn pháp định. Có chứng nhận của cơ quan tài chính về nguồn và mức vốn được cấp.
- Dự thảo điều lệ không trái với quy định của pháp luật.
- Có xác nhận đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nơi đặt trụ sở và mặt bằng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Hội đồng thẩm định sau khi xem xét các nội dung của hồ sơ đề nghị thành lập doanh nghiệp mỗi người phát biểu bằng văn bản ý kiến độc lập của mình và chịu trách nhiệm về ý kiến đó.
Chủ tịch Hội đồng thẩm định tổng hợp các ý kiến, trình người có quyền quyết định thành lập doanh nghiệp.
Bước 3: Quyết định thành lập doanh nghiệp Nhà nước.
Trong vòng 30 ngày kể từ ngày có văn bản của chủ tịch hội đồng thẩm định, người có quyền quyết định thành lập doanh nghiệp Nhà nước ký quyết định thành lập và phê chuẩn điều lệ. Trường hợp không chấp nhận thành lập thì trả lời bằng văn bản trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Luật doanh nghiệp Nhà nước quy định có 3 cấp có thẩm quyền quyết định thành lập doanh nghiệp Nhà nước là: Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng bộ quản lý ngành, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Trong đó:
- Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập hoặc uỷ quyền cho bộ trưởng bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW quyết định thành lập các Tổng công ty Nhà nước và các doanh nghiệp Nhà nước độc lập có quy mô lớn hoặc quan trọng.
- Bộ trưởng bộ quản lý ngành, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW quyết định thành lập các doanh nghiệp Nhà nước còn lại.
Sau khi có quyết định thành lập trong thời hạn không quá 30 ngày các cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện việc bổ nhiệm chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị (nếu có), Tổng giám đốc hoặc giám đốc doanh nghiệp
Bước 4: Đăng ký kinh doanh.
Sau khi có quyết định thành lập, DNNN còn phải có một thủ tục bắt buộc để có thể bắt đầu hoạt động, đó là thủ tục đăng ký kinh doanh.
Đăng ký kinh doanh là hành vi tư pháp , nó khẳng định tư cách pháp lý độc lập của doanh nghiệp và khả năng được pháp luật bảo vệ trên thương trường.
Hồ sơ đăng ký kinh doanh gồm:
- Quyết định thành lập
- Điều lệ doanh nghiệp
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng trụ sở chính của doanh nghiệp
- Quyết định bổ nhiệm chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị Tổng giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp.
Luật quy định trong thời hạn không quá 60 ngày kể từ ngày có quyết định thành lập doanh nghiệp phải tiến hành đăng ký tại Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh,Thành phố trực thuộc TW nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Nếu quá thời hạn đó mà chưa làm xong thủ tục đăng ký kinh doanh mà không có lý do chính đáng thì quyết định thành lập doanh nghiệp hết hiệu lực và doanh nghiệp phải làm lại thủ tục quyết định thành lập doanh nghiệp.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh phải cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Doanh nghiệp có tư cách pháp nhân kể từ thời điểm đăng ký kinh doanh và bắt đầu được tiến hành hoạt động (về nguyên tắc chỉ có những hành vi của doanh nghiệp xảy ra sau khi có đăng ký kinh doanh mới được coi là hành vi của bản thân doanh nghiệp).
Bước 5: Đăng báo công khai về việc thành lập doanh nghiệp.
Luật quy định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải đăng ký báo hàng ngày của TW hoặc địa phương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính trong 5 số liên tiếp. Doanh nghiệp không phải đăng báo trong trường hợp người ký quyết định thành lập doanh nghiệp đó đồng ý và ghi trong quyết định thành lập doanh nghiệp.
Nội dung đăng báo.
- Tên địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, họ và tên Hội đồng quản trị (nếu có), Tổng giám đốc, số điện thoại, điện báo, điện tín viễn thông.
- Số tài khoản, vốn điều lệ tại thời điểm thành lập.
- Tên cơ quan ra quyết định thành lập, số, ngày ký quyết định thành lập, số đăng ký kinh doanh.
- Ngành nghề kinh doanh.
- Thời điểm bắt đầu hoạt động và thời hạn hoạt động.
Thủ tục giải thể doanh nghiệp Nhà nước
Thủ tục giải thể doanh nghiệp Nhà nước là một thủ tục mang tính chất hành chính nhằm chấm dứt sự hoạt động (tư cách pháp nhân) của doanh nghiệp.
Các trường hợp doanh nghiệp nhà nước có thể bị xem xét giải thể
- Hết thời hạn hoạt động ghi trong quyết định thành lập và giấy đăng ký kinh doanh mà doanh nghiệp không xin gia hạn.
- Doanh nghiệp kinh doanh bị thua lỗ kéo dài nhưng chưa lâm vào tình trạng mất khả năng thành toán nợ đến hạn tuy đã áp dụng các hình thức tổ chức lại nhưng không thể khắc phục được.
- Doanh nghiệp không thực hiện được các nhiệm vụ do Nhà nước quy định sau khi áp dụng các biện pháp cần thiết.
- Việc tiếp tục duy trì doanh nghiệp là không cần thiết: Trong nền kinh tế thị trường nhà nước chỉ thành lập doanh nghiệp nhà nước khi cần thiết để thực hiện mục tiêu kinh tế xã hội. Nhưng khi doanh nghiệp đã hoàn thành mục tiêu đã định hoặc nhà nước thấy việc duy trì doanh nghiệp nhà nước là không cần thiết nữa thì nhà nước sẽ giải thể
Quyền quyết định giải thể doanh nghiệp
Người có quyền quyết định giải thể doanh nghiệp (theo điều 23 luật doanh nghiệp Nhà nước quy định) là người quyết định thành lập doanh nghiệp Nhà nước đó.
Người quyết định giải thể doanh nghiệp Nhà nước phải lập hội đồng giải thể, hội đồng giải thể làm chức năng tham mưu cho người quyết định và tổ chức thực hiện quyết định giải thể doanh nghiệp Nhà nước. Thành phần và quy chế làm việc của hội đồng giải thể, trình tự và thủ tục thực hiện quyết định giải thể doanh nghiệp do chính phủ quy định.
Trên đây là một số thông tin liên quan đến doanh nghiệp nhà nước mà Công Ty Tư Vấn Luật Doanh Nghiệp Thiên Mã cung cấp cho quý khách hàng. Với xu thế phát triển của Việt Nam hiện nay, nền kinh tế tư nhân đang dần khẳng định vị thế của mình. Một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn như Vingroup, Sungroup tự hào đi đầu về các lĩnh vực kinh doanh đa ngành, cùng nền kinh tế nhà nước đưa Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu.